Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022.
Thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 năm 2022 cho thấy, hầu hết các ngành đều có sự sụt giảm về doanh thu so với bảng xếp hạng năm 2021. Điểm sáng lớn nhất đến từ hoạt động bán lẻ với tổng mức tăng trưởng doanh thu lên tới 120%. Bên cạnh đó, bảng xếp hạng cũng ghi nhận sự phục hồi của hoạt động vận tải – logistics trong bối cảnh kinh tế mở cửa trở lại và sự vươn lên của các ngành khoáng sản, xăng dầu và thép nhờ được hưởng lợi từ giá dầu, giá thép tăng cao trong giai đoạn vừa qua.
Bên cạnh đó, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp năm 2022 giảm mạnh so với năm 2021, từ mức 16,4% xuống còn 11,2%. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) ghi nhận mức tăng xét trên tổng thể toàn bảng xếp hạng nhưng lại có sự phân hóa đáng kể nếu xét theo từng khu vực kinh tế.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report ghi nhận top 5 khó khăn cộng đồng các doanh nghiệp VNR500 đang gặp phải. Đó là biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành; Rủi ro từ chuỗi cung ứng; Sức ép đến từ tỷ giá gia tăng; Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm.
Bên cạnh đó, có 70% số doanh nghiệp cho biết đang chịu sức ép từ tỷ giá gia tăng, gần 60% số doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng khó khăn về nguồn vốn, lãi suất tăng cao.
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh trong năm 2023 so với 2022. Cụ thể, có đến 40,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết triển vọng khả quan hơn một chút và 26,0% cho biết khả quan hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp cũng đặt niềm tin lớn vào sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023 với 35,1% số doanh nghiệp có niềm tin rõ rệt vào sự phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Nhưng doanh nghiệp tỏ ra rất thận trọng trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh ngắn và trung hạn.
Phần lớn doanh nghiệp tập trung vào các chiến lược truyền thống như: Đầu tư phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường phát triển văn hóa doanh nghiệp; Tăng cường hoạt động kinh doanh cốt lõi; và Cải thiện cơ cấu chi phí. Kinh nghiệm rút ra từ quá trình ứng phó với đại dịch cũng như các bất ổn kinh tế thế giới thời gian gần đây cũng khiến cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào Cải thiện kế hoạch quản lý rủi ro, đảm bảo kinh doanh liên tục (94,5%); Chuyển đổi, linh hoạt với chuỗi cung ứng (89,2%)…
Theo Thanh Niên
- Vấn đề cốt lõi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
- Bốn lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi số ngành tài chính giúp tăng thu ngân sách, ngăn ngừa trục lợi
- Tỷ suất sinh lời của doanh nghiệp năm 2022 sụt giảm
- Từ năm 2023, phát động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên toàn quốc
- Khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19 với ngành kế toán