Nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước, giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho nền kinh tế số.
Tiên phong trong triển khai lộ trình chuyển đổi số
Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nói riêng.
Điều này đã được khẳng định rõ nét tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2030, trong đó nội dung quan trọng nhất là hiện đại hóa chuyển đổi số trong ngành Tài chính.
Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ đã mở màn cho hàng loạt các chiến lược sau này, đưa ngành Tài chính trở thành một trong các bộ tiên phong trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Trong đó, Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030 cũng đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 4/2022, đặt mục tiêu đến năm 2025 KBNN vận hành dựa trên dữ liệu và hoàn thành nền tảng Kho bạc số, đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Kho bạc số.
Cũng trong tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 với mục tiêu chủ đạo và xuyên suốt là xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ.
Cùng với hệ thống thuế, ngày 20/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành Hải quan số; 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống CNTT của Tổng cục Hải quan.
“Quả ngọt” từ những nỗ lực bền bỉ
Sự vào cuộc chủ động trong chuyển đổi số đã giúp ngành Tài chính nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý tài chính – ngân sách quốc gia, cải cách hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN)… được các bộ, ngành, người dân và DN đánh giá cao.
Liên tục trong 7 năm, từ năm 2013 đến năm 2019, Bộ Tài chính xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (Vietnam ICT index) khối các bộ, cơ quan ngang bộ.
Gần đây nhất, ngày 8/8/2022, tại Phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Báo cáo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021), trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ nhất về mức độ chuyển đổi số năm 2021 khối các bộ cung cấp dịch vụ công… Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp, Bộ Tài chính dẫn đầu về chuyển đổi số.
Kết quả này có được là thành quả từ những nỗ lực bền bỉ của toàn ngành Tài chính trong triển khai chiến lược chuyển đổi số.
Bộ Tài chính đi đầu trên lộ trình chuyển đổi số
Bộ Tài chính là bộ đầu tiên trong 22 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành văn bản định hướng về nghiên cứu, triển khai thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành từ năm 2018.
Đến nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Hiện Bộ Tài chính có 464 DVCTT mức độ 3,4, đạt tỷ lệ gần 60%. Trong đó, số DVCTT mức độ 3, 4 tích hợp trên Cổng Dịch vụ công (DVC) Quốc gia là 296 DVCTT, đạt tỷ lệ gần 64%.
Trên 99% DN trên toàn quốc đã sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử. Hệ thống hóa đơn điện tử, Etax-Mobile cũng đã được triển khai trên toàn quốc. Gần đây, ngành Thuế đã triển khai Cổng thông tin điện tử dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế, tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo xu hướng quản lý thuế quốc tế. Dự kiến tới đây, ngành Thuế sẽ tiếp tục đưa Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử trong nước vào hoạt động.
Đặc biệt, việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử của ngành Thuế sẽ được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng DVC Quốc gia. Đây sẽ là nền tảng đầu tiên hình thành dữ liệu về thuế và góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số.
Trong lĩnh vực hải quan, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% cục hải quan, chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% DN tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao, thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 1-3 giây. Những cải cách mạnh mẽ này đã giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu được khơi thông, mang lại hiệu quả to lớn cho người dân, DN và nền kinh tế.
Ngành Hải quan cũng đã xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống CNTT phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Trong đó, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN đã giúp cải cách việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, giảm thiểu gánh nặng không cần thiết cho DN trong thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, từ đó tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng DN xuất nhập khẩu tại Việt Nam.
Trên lĩnh vực kho bạc, đến nay, KBNN đã cơ bản hoàn thành xây dựng kho bạc điện tử với hệ thống DVCTT mức độ 4 kết nối đến 100% các đơn vị sử dụng ngân sách được tích hợp trên Cổng DVC Quốc gia. Tỷ lệ giao dịch của các khoản chi ngân sách nhà nước thực hiện qua DVCTT đạt trên 99,6%…
Tiếp tục bứt phá, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp
Xác định chuyển đổi số là khâu đột phá quan trọng để hiện đại hóa ngành Tài chính, mọi hoạt động quản lý nhà nước về tài chính đã và đang được chuyển đổi mạnh mẽ sang môi trường số.
Ngày 27/7/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 1484/QĐ-BTC về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại Kế hoạch này, ngành Tài chính đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025 xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hệ sinh thái tài chính số đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện. Tới năm 2030, phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh với 4 lĩnh vực trọng tâm chính: Quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp tiện ích tốt nhất cho người dân và DN; Hải quan thông minh; Kho bạc số 3 “không” (không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ); Chuyển đổi số mạnh mẽ thị trường chứng khoán.
Có thể thấy, ngành Tài chính đã quyết tâm chuyển đổi sang một nền tài chính số hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, hỗ trợ tối đa người dân, DN cũng như tăng cường năng lực trong công tác quản lý, đảm bảo sự minh bạch, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực tự thân ngành Tài chính, rất cần sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, DN…
* GS.TS Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân:
Ngành Tài chính là ngành tiên phong trong chuyển đổi số
Ngành Tài chính là ngành tiên phong trong chuyển đổi số. Điều đó đã tạo ra sự tiện lợi, nhanh chóng, giúp người nộp thuế tuân thủ nghĩa vụ tốt hơn, góp phần đẩy nhanh việc lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế.
Việc chuyển đổi số đã làm thay đổi phương thức quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển từ trạng thái cơ quan quản lý là người quản lý sang cơ chế phục vụ, nếu cơ quan quản lý làm tốt, phục vụ tốt, hướng dẫn tốt, người nộp thuế kê khai đầy đủ thì cơ quan thuế sẽ không thất thu thuế. Nếu cán bộ thuế không làm tốt, người nộp thuế làm sai, sẽ phải điều chỉnh.
Để làm tốt hơn công tác quản lý trong thời gian tới, ngành Tài chính cần tiếp tục chuyển đổi số mạnh hơn và tiên phong hơn, phải kiểm soát tự động, nhận diện qua trí tuệ nhân tạo AI, giúp cán bộ, công chức ngồi một chỗ có thể kiểm soát tự động; sử dụng công nghệ Blockchain để quản lý được hàng hóa, bắt đầu ở nước ngoài, hàng hóa chưa vào Việt Nam đã biết được giá cả, chi phí, xuất xứ…
* Ông Lưu Mạnh Tưởng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:
Hải quan số tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Trong những năm gần đây ngành Hải quan đã tập trung đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa và luôn là đơn vị đi đầu trong việc phát triển, triển khai ứng dụng CNTT. Nhờ đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan đã có những bước tiến vượt bậc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế.
Trước xu thế quốc tế, tính tất yếu trong chu trình hiện đại hóa và thực hiện chính sách, chủ trương của Đảng, Chính phủ và lãnh đạo các cấp về đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng cục Hải quan đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là hoàn thành hải quan số và đặt ra 3 nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 – 2025.
Cụ thể, ngành Hải quan thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan, hoàn thành tái cấu trúc tổng thể hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.
Hơn nữa, ngành Hải quan đảm bảo đồng bộ với chuyển đổi số nghiệp vụ hải quan, doanh nghiệp theo hướng số hóa và xử lý tập trung thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; triển khai mở rộng số lượng các thủ tục hành chính của các bộ, ngành; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng thuộc và trực thuộc các bộ, ngành, các đơn vị quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh, các bên có liên quan.
Đặc biệt, ngành Hải quan tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển các hệ thống nền tảng đáp ứng yêu cầu triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ số ngành Hải quan phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ thống thông tin nội ngành theo mô hình kết nối chia sẻ tập trung; xây dựng các dịch vụ nền tảng để triển khai chính phủ điện tử cơ quan hải quan và hoàn thiện nền tảng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
* Ông Nguyễn Đại Trí – Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính:
Sẽ tham mưu lựa chọn công nghệ tốt, phù hợp nhất và an toàn nhất
Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trong đó, Bộ Tài chính chú trọng về chuyển đổi số ở 3 lĩnh vực gồm thuế, hải quan, kho bạc – là những lĩnh vực then chốt, có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội. Để thực hiện được các mục tiêu thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất là phải rà soát, nghiên cứu điều chỉnh cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ để phù hợp với giao dịch điện tử, đảm bảo đúng pháp luật, chặt chẽ. Thứ hai, khi đề cập đến ứng dụng CNTT thì không thể không nói tới giải pháp về công nghệ. Với vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của Cục Tin học và Thống kê tài chính sẽ nghiên cứu, tìm hiểu, tham mưu cho lãnh đạo để chọn lựa những công nghệ tốt nhất, phù hợp nhất và có độ tin cậy nhất, an toàn nhất.
Một trong những cái khó của chúng tôi hiện nay chính là nguồn nhân lực. Chúng tôi giữ người, giữ cán bộ có kinh nghiệm, năng lực khó. Tuyển dụng thì càng khó. Hơn nữa, hoạt động của ngành Tài chính đa ngành đa lĩnh vực, tiếp xúc với rất nhiều người dân, DN, các đơn vị sử dụng ngân sách. Đối tượng rộng, phạm vi rộng thì trình độ nhận thức ứng dụng CNTT sẽ có sự khác nhau. Ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa, để tiếp cận được những ứng dụng CNTT, dịch vụ công dù đã được cải thiện nhưng còn khó khăn; hay thói quen của người dân, DN, của đơn vị sử dụng ngân sách là sử dụng phương pháp thủ công, giao dịch bằng hồ sơ giấy.
Một thách thức lớn nữa là công nghệ. Công nghệ thay đổi từng ngày, nhanh chóng, trong khi đó trình tự thủ tục để triển khai một dự án CNTT cần nhiều thời gian. Thời gian trượt đi thì công nghệ thay đổi. Đấy là những thách thức mà chúng tôi nhìn thấy và rất mong có sự điều chỉnh từ cơ chế chính sách chứ nếu chỉ một mình lực lượng làm CNTT thì khó có thể làm được.
* Ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế:
Ngành Thuế xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tích hợp tập trung
Trong 30 năm qua, ngành Thuế đã có một quá trình phát triển và xây dựng ứng dụng CNTT, hiện đại hóa, cải cách để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt từ năm 2014, ngành Thuế xây dựng hệ thống CNTT tích hợp tập trung. Hệ thống CNTT của ngành Thuế đã phát triển một cách toàn diện với việc ứng dụng CNTT trong các khâu của quy trình quản lý thuế và cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến cho người nộp thuế, góp phần xây dựng ngành Thuế hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, được tổ chức, DN, cá nhân và toàn xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Đối với ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, đặc biệt trong khối DN, ngành Thuế đã phát huy vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, cải cách hành chính, ứng dụng CNTT.
Với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành Thuế cũng đã xác định một số cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển ứng dụng CNTT theo định hướng chuyển đổi số, bao gồm: cuộc chạy đua về “công nghệ số, chuyển đổi số” của các DN và sự phát triển kinh tế số; thu thập, xây dựng, phân tích các dữ liệu; triển khai các giải pháp quản lý hoạt động thương mại trong nước và dịch vụ số xuyên biên giới theo hướng tập trung dữ liệu quản lý từ các sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới; chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức nhà nước.
Việc thực hiện các bước chuyển đổi, từ chính phủ điện tử sang định hướng chính phủ số là một chương trình dài hạn, cần có sự đồng thuận, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, triển khai đồng bộ, có quy hoạch theo chiến lược của Chính phủ.
* Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước:
Chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 hướng tới kho bạc số
Thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay, KBNN đã cơ bản hoàn thành mục tiêu được giao, đó là hình thành Kho bạc điện tử.
Đặc biệt, từ năm 2021, KBNN đã tổng hợp giám sát từ xa tiến độ xử lý hồ sơ kiểm soát chi và đánh giá sự hài lòng, thái độ phục vụ khách hàng giao dịch qua hệ thống DVCTT; hoàn thành xây dựng và triển khai ứng dụng trên điện thoại di động cho đơn vị giao dịch có thể tra cứu số dư tài khoản tại KBNN; xây dựng và triển khai Chương trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư qua KBNN; Đề án thanh toán tự động theo định kỳ các dịch vụ điện, nước, viễn thông… theo ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách; hoàn thành Hệ thống thông tin phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) với các cơ quan thu và hệ thống thanh toán với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại…
Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Để đạt các mục tiêu trong Chiến lược, KBNN xác định một số nhiệm vụ chủ yếu về cải cách, hiện đại hóa các chức năng quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước.
Cụ thể, KBNN xây dựng và triển khai kiến trúc CNTT phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử.
Số hóa các nghiệp vụ KBNN và cung cấp dữ liệu mở về tài chính – NSNN thông qua việc nâng cấp, phát triển hệ thống Tabmis và các hệ thống liên quan thành Hệ thống thông tin Ngân sách và Kế toán nhà nước số dựa trên công nghệ hiện đại, cho phép cung cấp các dịch vụ số, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, DN, các cơ quan, đơn vị và có khả năng truy cập, khai thác thông tin rộng rãi.
Theo Thời báo Tài chính VN
- Sóng gió dần qua, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt
- Từ năm 2023, phát động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên toàn quốc
- So sánh sự khác biệt giữa tài chính và kế toán trong doanh nghiệp
- Bốn lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi số ngành tài chính giúp tăng thu ngân sách, ngăn ngừa trục lợi
- Tỷ suất sinh lời của doanh nghiệp năm 2022 sụt giảm