Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Tế Việt Nam (HOSE: VIB) vừa công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản…
Trong đó, đáng chú ý là nội dung thực hiện lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Lãnh đạo VIB cho biết tỷ lệ này có thể được điều chỉnh tăng lên đến 30% trong trường hợp được sự thông qua của đại hội đồng cổ đông.
Ngoài ra, văn bản dự kiến đề xuất đại hội đồng cổ đông cũng bao gồm nội dung ủy quyền cho Hội đồng Quản trị (HĐQT) chủ động quyết định các nội dung công việc về tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong phạm vi nhỏ hơn hoặc bằng 30% vốn điều lệ của VIB. Danh sách cổ đông sẽ được chốt tại ngày 29/11/2022.
ĐỀ XUẤT MỞ ROOM NGOẠI TỪ 20,5% LÊN ĐẾN 30%
Là ngân hàng bán lẻ thuộc top đầu Việt Nam, với độ tập trung bán lẻ cao nhất ngành trên 90%, VIB đang phục vụ hơn 4 triệu khách hàng cá nhân, và duy trì một cơ cấu cổ đông lớn, đa dạng, với hơn 20.000 cổ đông. Trong đó cổ đông chiến lược nước ngoài, Commonwealth Bank of Australia (CBA) là cổ đông lớn nhất, nắm giữ khoảng 20% từ năm 2010 đến nay. CBA là một trong những ngân hàng lớn nhất trên thế giới, giá trị vốn hóa thị trường đạt 122 tỷ đô la Mỹ, thường xuyên được đánh giá là ngân hàng an toàn, vững mạnh hàng đầu với xếp hạng tín nhiệm cơ sở (BCA) ở mức a2 bởi Moody’s.
Trong hơn 12 năm qua, CBA đóng góp quan trọng trong việc giúp xây dựng ngân hàng VIB trở thành một ngân hàng có thương hiệu và vận hành nổi bật tại Việt Nam về chất lượng và quy mô. Cổ đông ngoại này đã cùng đội ngũ lãnh đạo VIB xây dựng nền tảng vận hành, mô hình quản trị doanh nghiệp, xây dựng khẩu vị rủi ro chặt chẽ, tăng cường năng lực ngân hàng số và ngân hàng bán lẻ tại VIB.
Trong quá trình hoạt động 26 năm của mình với 12 năm đồng hành cùng CBA, VIB cũng là một ngân hàng đặt tiêu chí bền vững, minh bạch và tiên phong các chuẩn mực quốc tế thành một định hướng chiến lược quan trọng hàng đầucho sự phát triển của nhà băng này.
Kết quả là, các tiêu chuẩn quốc tế quan trọng như Basel I, Basel II, IFRS… luôn có mặt VIB với tư cách là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công và ứng dụng nhất quán trong các hoạt động kinh doanh. VIB đồng thời cũng là ngân hàng có độ mở cao và hợp tác hiệu quả với các đối tác quốc tế bên cạnh CBA như IFC, ADB, Master Card, Visa Card, Prudential, Moody’s… Sự phối hợp giữa VIB và CBA trong hơn một thập kỷ qua là một điển hình hợp tác thành công hiếm hoi giữa một ngân hàng lớn hàng đầu thế giới và ngân hàng trong nước tại thị trường Việt Nam.
Việc tăng tỷ lệ sỡ hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% lên tới 30% là cơ hội cho VIB nhà đầu tư nước ngoài và cổ đông VIB hiện nay. Quyết định này sẽ giúpngân hàng VIB có cơ hội tìm kiếm thêm sự hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm và triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quản trị, mô hình kinh doanh từ các định chế tài chính và quỹ đầu tư chuyên nghiệp trên Thế giới, đẩy mạnh hơn nữa vị thế của VIB là ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp thuộc top đầu thị trường Việt Nam về cả chất lượng và quy mô.
Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, thông tin nới room ngoại lên 30% đã được khối ngoại mong chờ gần một thập kỷ nay, khi nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đặc biệt quan tâm về lĩnh vực tài chính, bán lẻ ở một đất nước có hơn 100 triệu dân và mức độ tăng trưởng GDP thuộc top đầu khu vực Châu Á, và mong muốn cùng tham gia trong hợp tác dài hạn với VIB.
Thông tin này cũng mang lại cho các cổ đông VIB nhiều kỳ vọng lớn, khi VIB vốn được biết tới là một thể chế tài chính khá “thận trọng và nghiêm khắc” trong việc lựa chọn các đối tác chiến lược, đặc biệt là những nhà đầu tư ngoại chuyên nghiệp và mang được giá trị to lớn cho sự phát triển của ngân hàng trong tương lai.
TIẾP TỤC DẪN ĐẦU NGÀNH NGÂN HÀNG VỀ HIỆU QUẢ KINH DOANH
Việc đề xuất mở room ngoại diễn ra trong bối cảnh VIB đang có kết quả kinh doanh tích cực trong nhiều năm liền. Kết thúc 10 tháng đầu năm 2022, VIB đạt lợi nhuận trước thuế 8.715 tỷ, tăng 44% so với năm 2021 với ROE (hệ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu) đạt 30% liên tiếp trong 3 năm liền. Ngân hàng dự báo lợi nhuận trước thuế của cả năm 2022 nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao là 10.500 tỷ. Kết quả này còn có thể cao hơn nhiều nếu tính đến lợi nhuận bất thường từ một số thỏa thuận hợp tác mà VIB có khả năng hoàn tất trong năm 2022.
Là ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất tại Việt Nam, trên 90% danh mục bán lẻ,, tập trung tối đa nguồn lực vào các hoạt động kinh doanh trọng yếu mà ngân hàng này đang trong top dẫn đầu về thị phần tại Việt Nam, như: Cho vay mua nhà, vay mua ô tô, bảo hiểm nhân thọ, thẻ tín dụng, hay các mảng kinh doanh có tăng trưởng vượt bậc trong nhiều năm như ngân hàng số MyVIB, tiền gửi idepo…, VIB tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu về cả quy mô và chất lượng tại thị trường, đồng thời luôn ưu tiên chú trọng quản trị rủi ro đảm bảo các hệ số an toàn, lành mạnh và minh bạch.
Theo VNEconomy
- Từ năm 2023, phát động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên toàn quốc
- So sánh sự khác biệt giữa tài chính và kế toán trong doanh nghiệp
- Chuyển đổi số ngành Tài chính: Hướng đến hình thành hệ sinh thái tài chính số
- VIB có thể sẽ nới room ngoại đến 30%
- Vấn đề cốt lõi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp